Bạn Có Câu Hỏi Gì?
Ví dụ: Hôn Nhân, Tình Dục, Tiền Bạc, Khủng Long, Thuốc Lá, Xăm Hình, v,v ...

*Xin đánh tiếng việt có dấu hoặc sử dụng tiếng anh.
*Hiện tại việc dịch thuận tài liệu vẫn đang cần rất nhiều đóng góp. Nếu bạn có thể đóng góp, hãy liên hệ facebook qua trang thông tin.

Xin giải thích dùm em Mathio 18:21-22, Chúa dạy chúng ta tha thứ bảy mươi lần bảy nhưng Mathio 18:15-17 thì lại nói rằng nếu khuyên ba lần mà không nghe thì coi như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế.

Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?
Ma-thi-ơ 18:21
Câu hỏi này liên quan đến hai vấn đề khác nhau. Trong khi Ma-thi-ơ 18:15-17 nói về kỷ luật thì Ma-thi-ơ 18:21-22 lại đề cập đến sự tha thứ. Nhiều người cho rằng tha thứ thì không kỷ luật, nói cách khác nếu bạn kỷ luật một người thì có nghĩa là bạn không yêu thương và tha thứ cho người đó.
Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.
Hê-bơ-rơ 12:6
Nhưng Kinh Thánh lại cho chúng ta sự dạy dỗ khác, khi Chúa yêu ai thì Ngài sẽ sửa dạy người đó. "Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt" (Hê-bơ-rơ 12:6). Có yêu thương thì mới kỷ luật, và chỉ khi chúng ta thật sự tha thứ thì mới có thể thi hành kỷ luật một cách đúng đắn và đầy tình thương.
Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.
Ma-thi-ơ 18:15
Ma-thi-ơ 18:15-17 đề cập đến đối tượng của kỷ luật là "anh em", không phải người ngoài và mục đích của kỷ luật chính là "được anh em lại" (câu 15). Kỷ luật không phải là phương tiện để chứng minh quyền lực, để thỏa mãn cơn giận dữ, hay lòng tự ái, nhưng kỷ luật là vì ích lợi của anh em,vì yêu anh em, vì muốn "được anh em lại", không phải để mất anh em. Trong trường hợp người anh em "không chịu nghe" (câu 16-17), nghĩa là người đó không nhận ra lỗi lầm của mình, không chịu ăn năn, thì mức độ kỷ luật được tăng lên, từ mức độ cá nhân lên đến mức độ Hội Thánh, từ riêng tư lên đến công khai, mà đỉnh điểm là "hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy"
Cụm từ "hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy", không có nghĩa là không tha thứ, không yêu thương họ nữa, vì rõ ràng Chúa Giê-xu vẫn yêu thương người thâu thuế và người ngoại. Ma-thi-ơ, một trong những môn đệ Chúa Giê-xu là người thâu thuế (Ma-thi-ơ 9:9). Chúa Giê-xu cũng đã tìm và cứu Xa-chê là người thâu thuế (Lu-ca 19:1-10). Chúa bày tỏ tình yêu với người ngoại khi chữa lành bịnh cho con gái người đàn bà Ca-na-an (Ma-thi-ơ 15:21-28). Nhưng cụm từ này chỉ nói đến một hình thức kỷ luật, đó là cắt đứt tạm thời mối liên hệ giữa người phạm tội với Hội Thánh trong một thời gian, cho đến khi người phạm tội nhận biết tội lỗi và ăn năn. Hình thức này vẫn áp dụng trong Hội Thánh hiện nay với tên gọi "Dứt Phép Thông Công".
Nhưng Ma-thi-ơ 18:15-17 cũng cho chúng ta thấy 2 bài học quan trọng. Thứ nhất là khía cạnh yêu thương trong việc kỷ luật một người. Để kỷ luật một người phải hết sức thận trong, phải xem xét lại nhiều lần, phải đi từ nhẹ đến nặng, phải có đầy đủ bằng chứng. Và cắt đứt tạm thời mối liên hệ với anh em phải là điều sau cùng, khi không còn giải pháp nào khác.
Thứ hai là sự thánh khiết. "Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh" (I Phi-e-rơ 1:15-16). Kỷ luật là cần thiết để duy trì sự thánh khiết trong Hội Thánh. Mỗi cá nhân tín hữu và Hội thánh không được thỏa hiệp với tội lỗi và điều ác.
Chính Đức Chúa Trời cũng vì yêu thương con cái Ngài nên đôi khi đã kỷ luật họ rất nặng nề, ngay cả việc Ngài sử dụng bịnh tật, tật nguyền, và cả sự chết để răn dạy họ với mục đích sau cùng là bảo vệ và giữ gìn sự cứu rỗi cho họ cũng như sự thánh khiết của Hội Thánh. Ví dụ như khi một người xem thường sự chết của Chúa Giê-xu và nhận Tiệc Thánh không xứng đáng thì "Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ" (I Cô-rinh-tô 11:30), nhưng mục đích của Chúa Giê-xu là "khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian" (I Cô-rinh-tô 11:32). Cuối cùng là để chúng ta không "bị án làm một với người thế gian", nói cách khác là không bị hư mất đời đời. Ví dụ thứ hai cũng trong thư I Cô-rinh-tô chương 5, khi có những tín hữu trong Hội Thánh phạm tội tà dâm với mẹ kế mình thì Phao-lô dạy rằng: "một người như thế phải phó cho quỉ Sa-tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus" (I Cô-rinh-tô 5:5).
Xin Chúa cho chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ với các anh em khác trong Hội Thánh ngay cả trong khi kỷ luật, sửa dạy, răn bảo họ.
Xin giải thích dùm em Mathio 18:21-22, Chúa dạy chúng ta tha thứ bảy mươi lần bảy nhưng Mathio 18:15-17 thì lại nói rằng nếu khuyên ba lần mà không nghe thì coi như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế.
* Kinh Thánh Tham Khảo:
Ma-thi-ơ 18:21 - Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?
Hê-bơ-rơ 12:6 - Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.
Ma-thi-ơ 18:15 - Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.
Ma-thi-ơ 15:21 - Đức Chúa Jêsus đi từ đó, vào bờ cõi thành Ty-rơ và thành Si-đôn.
Ma-thi-ơ 18:15 - Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.
I Phi-e-rơ 1:15 - Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình,
I Cô-rinh-tô 5:5 - rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.

* Bản Dịch theo GotQuestions
* Nếu bạn cảm thấy bản dịch này chưa đúng hoặc chưa phù hợp, xin hãy liên hệ và đóng góp bản dịch mới.